4 khía cạnh phát triển của trẻ cần bạn hỗ trợ

Niềm vui của bậc cha mẹ là từng ngày nhìn con khôn lớn và nên người. Sự hỗ trợ của bạn đối với sự phát triển của bé là rất quan trọng và sự hỗ trợ này có thể xuất phát từ những điều nhỏ nhất. Hãy thử những phương pháp sau để bạn có thể đồng hành và tham gia vào sự phát triển của con.


1. Phát triển thể chất

Cách tốt nhất để bé phát triển sức mạnh thể chất và khả năng phối hợp các bộ phận cơ thể cần thiết để bé có thể ngồi, bò, đi, ném banh hay lái xe đạp là tạo nhiều cơ hội cho bé vận động. Bạn hãy liên tục thay đổi tư thế cho bé – từ lưng sang bụng, từ ngồi dựng đứng sang ngồi nghiêng, từ ngồi trong nôi sang ngồi trên sàn – để tạo cơ hội cho bé được vận động và luyện tập sức khoẻ thể chất. Khi con bạn đã sẵn sàng, bạn hãy cho bé:

Nhún nhảy trong lòng bạn;
Đỡ bé ngồi;
Ngồi tư thế “con ếch”;
Ngồi thẳng đứng, dựa thêm gối nếu cần thiết;
Vừa đứng vừa nắm tay bạn để giữ thăng bằng;
Đứng lên trong nôi hay chơi trong sân;
Giơ cả 2 tay và nhấc 2 chân lên.

2. Phát triển sự nhanh nhẹn

Phát triển sự linh hoạt cho ngón tay của bé và cả bàn tay sẽ giúp bé tự lĩnh hội được nhiều kỹ năng cần thiết như tự ăn, vẽ, viết, đánh răng, thắt dây giày, cài nút áo hay vặn chìa khoá, v.v… Khả năng của bé sẽ phát triển nhanh hơn nếu bạn cho bé nhiều cơ hội dùng tay, để bóp nắn đồ vật, để chạm, để khám phá và để thử nghiệm thế giới bên ngoài nhiều hơn. Những vật dụng và các loại đồ chơi dưới đây giúp hỗ trợ bé rèn luyện các kỹ năng cần thiết:

Khối đồ chơi (những khối lập phương gỗ, nhựa).
Búp bê hay đồ chơi thú nhồi bông giúp tay chân của bé linh hoạt hơn.
Đồ vật trong nhà: bé thích chơi với các đồ vật và vật dụng tạo cảm giác giống như các vật dụng có trong đời sống thật hơn như muỗng, ly, cúp, ấm trà, v.v…
Banh bóng: các loại đồ chơi có nhiều kiểu dáng đa dạng để cầm, nắn; bé rất thích ngồi lên, lăn chúng hay bò theo.
Trò chơi bàn tay: đầu tiên bạn có thể chơi trò vỗ tay, diễn tả theo bài hát hay các trò chơi tương tự để bé bắt chước làm theo. Sau khi biểu diễn một hai lần, bạn sẽ giải thích cho bé hiểu cách chơi và sau đó chơi cùng bé.

3. Phát triển kỹ năng xã hội

Khi bé được nửa năm tuổi, đây là khoảng thời gian hầu hết các bé sẽ bắt đầu tiếp xúc và giao lưu với thế giới bên ngoài. Bé sẽ cười, nói, và giao tiếp bằng nhiều cách khác nhau và rất sẵn lòng chia sẻ, thân thiện và vui vẻ với mọi người xung quanh. Vì đa số bé ở độ tuổi này chưa biết sợ người lạ nên đây là thời điểm thích hợp để động viên bé hoà đồng, tiếp xúc với nhiều người ở nhiều độ tuổi khác nhau – từ trẻ em cùng trang lứa đến người già. Bạn có thể cho bé tiếp xúc với người khác trong khi đi mua sắm, khi đi chơi cùng bạn bè, cho bé tham gia vào một nhóm trẻ mới, hay để bé tự soi và nói chuyện với bản thân mình trong gương. Bạn hãy dạy bé cách chào và nói một vài cụm từ đơn giản hay dùng trong giao tiếp như chào tạm biệt, mi gió hay nói cảm ơn.

4. Phát triển trí tuệ và khả năng ngôn ngữ

Rồi sẽ đến ngày bé hiểu và nhận biết được mọi thứ. Bé sẽ có khả năng nhận ra tên của cha mẹ và anh em của bé trước tiên, sau đó là các cụm từ như chào tạm biệt, bình sữa và những câu ngắn đơn giản như “Con có muốn uống sữa?”, “Mi gió đi con!”. Bé sẽ hiểu được những gì bé nghe trước khi bé học nói. Những dạng phát triển trí tuệ khác cũng bắt đầu và phát sinh ở giai đoạn này. Mặc dù sự phát triển này không thể hiện rõ, con bạn vẫn đang bắt đầu những bước đi đầu tiên để phát triển và học hỏi những kỹ năng cơ bản như giải quyết vấn đề, quan sát hay ghi nhớ. Bạn có thể giúp bé bằng cách:

Chơi trò chơi kích thích trí tuệ sẽ giúp bé quan sát và nhận ra quy luật nhân quả (như đổ nước vào bồn tắm và cho bé nhảy vào để nước tràn ra ngoài: “Con thấy chưa, nước tràn ra nè.”) để chỉ cho bé những dẫn chứng về quy luật nguyên nhân và hậu quả trong cuộc sống thường ngày.
Tiếp tục mài giũa cho bé nhận thức về âm thanh. Khi máy bay bay ngang qua đầu, hay còi xe cứu hoả hú lên giữa đường, bạn hãy hỏi bé: “Có phải tiếng máy bay không con?”, “Con có nghe tiếng xe cứu hoả không?” để bé quen với các loại âm thanh quen thuộc trong cuộc sống. Nhấn mạnh và lặp lại những từ khoá như “máy bay”, “xe cứu hoả” sẽ giúp bé dễ nhận diện từ hơn. Bạn cũng nên dùng cách này khi bạn muốn dạy cho bé nhận ra âm thanh của máy hút bụi, khi vặn nước, ấm nước sôi hay chuông cửa kêu. Bạn cũng nên tập cho bé nghe qua những âm thanh vui nhộn khác như tiếng kêu khi bụng đói hay tiếng tạch lưỡi. Tiếng huýt còi cũng khuyến khích bé phát triển khả năng ngôn ngữ.
Giới thiệu khái niệm. Bạn có thể chỉ ra: con gấu bông thì mềm, cà phê thì nóng, xe chạy nhanh, bé dậy sớm, trái banh ở dưới cái bàn, v.v… Khi giới thiệu đồ vật, bạn hãy mô tả mục đích dùng của chúng: cây chổi để quét nhà, nước để uống và tắm, khăn để lau khô. Nhớ là bé sẽ không thể hiểu được những từ ngữ mà bạn dùng lúc đầu với bé nhưng càng về sau, khi lặp đi lặp lại càng nhiều dần, khái niệm sẽ dần trở nên khái quát hoá và dễ hiểu hơn với bé.
Kích thích sự tò mò và sức sáng tạo. Nếu bé muốn sử dụng đồ chơi một cách khác, bạn đừng cố làm nản chí bé hay chỉ dạy bé cách chơi đồ chơi theo hướng ngược lại. Bạn hãy cho bé cơ hội thoả sức khám phá và thử nghiệm. Một đứa bé sẽ học được rất nhiều thông qua kinh nghiệm hơn là thông qua lời hướng dẫn của người khác.
Để bé yêu việc học. Mặc dù việc học là rất quan trọng, dạy bé cách học và truyền tình yêu với việc học cũng quan trọng không kém. Bạn hãy nhớ rằng việc học sẽ hiệu quả hơn nếu bé có thể tương tác và cảm thấy vui vẻ khi học.

Nhận xét